Kỳ
chuyển nhượng tháng Giêng năm 2016 đã khép lại ở Premier League khá dễ
đoán, khi hầu hết các bản hợp đồng đắt giá nhất thuộc về… nhóm cuối
bảng.
Chạy đua với “tử thần”
Trong top 10 bản hợp đồng đắt giá nhất tháng 1/2016,
trừ trường hợp bán Ramires của Chelsea thì có đến 7/9 tân binh thuộc về
các đội nằm trong nhóm… 5 đội cuối bảng Premier League hiện nay.
Newcastle
chịu chi nhất khi bỏ ra 24 triệu bảng cho Andros Townsend và Jonjo
Shelvey, Bournemouth phá kỷ lục vì Benik Afobe trong khi Sunderland,
Swansea và Norwich cũng bổ sung tân binh cho các vị trí yếu nhất của họ.
Ở
chiều hướng ngược lại, các CLB lớn mua rất ít, và cũng không mua những
cầu thủ đắt giá như mong đợi. Arsenal chỉ mua thêm Mohamed Elneny với
giá 5 triệu bảng và coi đây là phương án dự phòng cho Francis Coquelin.
Man Utd, Man City, Tottenham không có bất cứ tân binh nào. Liverpool chỉ
bổ sung 2 cầu thủ với tổng chi phí 5,1 triệu bảng vì vấn nạn chấn
thương. Ngay cả Leicester City cũng không chạy theo giấc mơ vô địch bằng
cách chi tiêu mạnh tay trong mùa Đông này.
Đó
là câu chuyện khá ngược đời tại Premier League, nhưng cũng rất dễ giải
thích. Các CLB lớn luôn luôn nhắm đến các ngôi sao lớn hoặc ít nhiều có
tên tuổi. Tuy vậy, không nhiều ngôi sao được phép ra đi vào giữa mùa
giải.
Trong
khi đó, các CLB yếu có nhiều lựa chọn hơn. Quan trọng nhất, họ buộc
phải bổ sung lực lượng vì mục tiêu tối thượng: trụ lại Premier League.
Newcastle
có thể mất 24 triệu bảng đổi lấy 2 cầu thủ, nhưng nếu phải xuống hạng,
họ có thể mất trắng con số lên đến hơn 100 triệu bảng ở mùa giải tới.
Các CLB ở nhóm cuối bảng đương nhiên có cùng tính toán với Newcastle.
Premier League là mỏ vàng quá hấp dẫn với các CLB này, đặc biệt khi gói
bản quyền khổng lồ hơn 5 tỷ bảng chính thức có hiệu lực từ mùa giải
sau.
Chỉ
duy nhất Aston Villa có dấu hiệu “buông xuôi” vì ông chủ của họ, Randy
Lerner đang tìm cách bán lại CLB trong tương lai gần và không muốn đầu
tư thêm vào đội bóng.
Con dao 2 lưỡi
Luôn
có từ 5 đến 6 đội phải chạy trốn khỏi 3 vị trí xuống hạng vào cuối mùa
giải và tất nhiên, có một nửa trong số đó không thể thành công. Chính vì
thế, việc đầu tư quá mạnh tay ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông giống như con
dao 2 lưỡi với đội bóng này.
Họ
sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính nếu không thể trụ hạng
thành công và buộc phải hy sinh các cầu thủ ngôi sao trong đội hình. Khi
đó, Championship có thể trở thành giải đấu quá khó với họ. Không ít đội
bóng xuống hạng sau khi chiêu mộ cầu thủ ồ ạt và không thể trở lại với
Premier League trong thời gian ngắn. Trong những năm gần đây, QPR hay
Fulham là những ví dụ điển hình.
Newcastle,
Swansea, Sunderland… tất nhiên hiểu rõ điều đó, nhưng họ không còn quá
nhiều lựa chọn, đặc biệt với các đội bóng đã thay đổi HLV vào giữa mùa
giải.