Sự kình địch giữa các đội bóng
trên sân đấu được sinh ra bởi sự khác biệt sâu sắc về chính trị cũng như
những đối lập về văn hóa. Sự đối địch giữa Barcelona và Real Madrid
không nằm ngoài khuôn khổ đó.
El Clasico chưa bao giờ thiếu lửa vì những vấn đề về sắc tộc
Tiếng Tây Ban Nha có một
danh từ thường được dùng để miêu tả về những sự đối địch như vậy, đó là
“morbo”, tạm hiểu là một “căn bệnh, bệnh dịch”, tức là lan truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác. Từ này phổ biến đến nỗi xuất hiện trong tất cả
các văn bản về lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, là minh họa cho sự ghê tởm
lẫn nhau giữa Barca và Real.
Được coi là một trong những trận
derby khốc liệt nhất thế giới, mỗi khi Barca và Real chạm trán, các CĐV
của họ lại tạo ra những thái cực vô cùng khác nhau trên cùng một SVĐ. Để
hiểu được những bản sắc không thể hòa hợp này, chúng ta cần phải tìm
hiểu thêm về những dòng văn hóa chạy suốt lịch sử đất nước Tây Ban Nha.
Vào
những năm giữa thế kỷ 20, môi trường bóng đá tại Tây Ban Nha đặc sệt
chủ nghĩa địa phương, khi mà nguồn cung cấp cầu thủ cho các đội bóng đến
từ chính địa phương nơi họ đóng đô. Đây là kết quả từ những yêu cầu của
giải đấu và nhu cầu bóng đá bản địa.
Lời kêu gọi độc lập của người dân Catalan
Tuy
nhiên, mọi thứ thay đổi rất nhanh vào năm 1995 khi luật Bosman được
thông qua. Thị trường chuyển nhượng khi đó đã được mở rộng từ quận huyện
lên đến cấp... thế giới. Cả Real và Barca đều hòa nhập rất nhanh với xu
thế này, khi các cầu thủ sẵn sàng từ chối lời mời của các CLB nơi họ
sinh ra để đầu quân cho nơi nào đó trả nhiều tiền hơn.
Tuy vậy,
tính đa sắc tộc và đa văn hóa này không thay đổi được đức tin của các
CĐV vào đội bóng của họ. Thất bại của đội bóng con cưng trong các trận
derby hay Siêu kinh điển luôn khiến họ cảm thấy như thất bại của cá nhân
mình, trong khi chiến thắng sẽ đem lại một niềm tự hào vô cùng lớn lao,
như một lời tuyên thệ cho cộng đồng. Những “morbo” từ đó mà cũng tăng
lên.
Chính
bóng đá đã giúp Barcelona và Madrid - 2 thành phố lớn nhất nhì Tây Ban
Nha - đoàn kết được những khối dân tộc khác nhau. Có những phản biện cho
rằng “cuộc sống hiện đại có xu hướng làm xói mòn các ý nghĩa cộng đồng
và bản sắc xã hội”, thì Richard Guilianotti trong cuốn “Bóng đá - Xã hội
học trong một môn chơi toàn cầu” cho rằng bóng đá chính là “môn chơi có
thể tăng cường liên kết văn hóa xã hội”. Trong bối cảnh đó, những nhóm
NHM bóng đá ở từng nơi sẽ tạo nên những cộng đồng riêng, với những bản
sắc riêng rẽ.
"Catalan không phải là Tây Ban Nha"
Khi
đó, bóng đá, những đội bóng, sẽ trở thành một thứ vũ khí để những cộng
đồng tuyên chiến lẫn nhau. Khi câu chuyện về chính trị hay xã hội trở
nên phức tạp giữa 2 vùng, trận đấu giữa các đội bóng đại diện cho 2 vùng
đó sẽ trở thành một cuộc chiến thực sự. Người Barca, đại diện cho chủ
nghĩa dân tộc Catalonia, chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch ly khai khỏi Tây
Ban Nha ngay sau khi bị vương quốc Castille đánh bại vào năm 1714.
Căng
thẳng giữa những nhà nước tại Tây Ban Nha đến giờ vẫn chưa có cách giải
quyết nên những trận El Clasico như thế này là dịp tốt để thổi bùng lên
ngọn lửa đấu tranh. Vụ chuyển nhượng từ Barca sang Real của Luis Figo -
người đã được những công dân Catalan tôn vinh và gán cho những sứ mệnh
lịch sử - một lần nữa cho thấy câu chuyện về thể thao và thù địch dân
tộc chưa bao giờ tách rời ở Tây Ban Nha.