Với
nguồn ngân sách khổng lồ, Man City đã sở hữu 1 đội hình đắt giá và
những ngôi sao hàng đầu thế giới. Nhưng có 1 thứ mà gã nhà giàu thành
Manchester vẫn chưa mua nổi, và có thể chẳng mua nổi…
Theo bản thống kê mới được LĐBĐ châu Âu
(UEFA) công bố hôm qua, Man City là đội bóng có đội hình đắt giá thứ 2
châu Âu với tổng giá trị 526 triệu euro, chỉ kém Real Madrid (629 triệu
euro). Đây là thống kê chỉ tính số tiền các CLB đã chi ra để mua sắm đội
hình hiện tại nên dĩ nhiên Man City nằm trong top đầu về khoản đầu tư.
Quả thực, với nguồn ngân sách khổng lồ,
lại được rót thường xuyên bởi các tỉ phú Trung Đông, Man City chẳng ngán
bất cứ thương vụ nào, miễn là đối tác sẵn sàng để ngôi sao của mình ra
đi. Có lẽ chẳng cần phải đưa ra những thống kê bởi nó đã hiển hiện rõ
rệt khi từ khi Sheik Mansour đổ bộ xuống Manchester.
Chẳng nói đâu xa, ngay trong phiên chợ Hè
vừa qua, Man City đã đổ 171 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng.
Trong khi các đại gia châu Âu tỏ ra rụt rè với các thương vụ lớn thì Man
City lại bùng nổ với 2 bản HĐ đắt giá nhất mùa Hè 2015 (Sterling và De
Bruyne). Trong top 10 bản HĐ đắt giá nhất, gã nhà giàu thành Manchester
đã góp 3.
Có tiền, Man City có thể mua được thành
công! Điều đó đã được khẳng định trong quá khứ khi họ giành 2 chức vô
địch Premier League sau những cuộc cải tổ về mặt nhân lực. Hè này cũng
vậy! Sau khi chi ngân sách khổng lồ cho chuyển nhượng, Man City đã ít
nhiều thành công khi dẫn đầu Premier League sau 9 vòng đấu.
Sự khác biệt có thể thấy rõ! Những mùa
giải trước, họ thường rơi vào thế bí khi mất Aguero hoặc David Silva.
Còn mùa này, ngay cả khi vắng mặt cả 2 nhân tố quan trọng trên, dàn sao
The Citizens vẫn cứ thắng, thậm chí còn gây ấn tượng mạnh. Ở trận gặp
Bournemouth cuối tuần trước, Sterling tỏa sáng rực rỡ với cú hat-trick.
Còn đêm qua, De Bruyne lại hóa người hùng với bàn thắng quý giá ở phút
90.
Ở hàng thủ cũng vậy! Pellegrini đã giải
được bài toán hóc búa khi có thêm Otamendi. Kể cả khi Kompany dính chấn
thương, chiến lược gia người Chile vẫn có dư giả sự lựa chọn chất lượng.
HLV nào chẳng muốn được như vậy!
Những đồng tiền có mùi dầu mỏ của Man
City đã phát huy sự hiệu quả ở trận gặp Sevilla đêm qua khi De Bruyne
tỏa sáng vào phút chót. Nhưng vấn đề của Man City lại nằm ở khán đài!
Trong bóng đá, có lẽ chẳng bàn thắng nào
quý giá và mang giá trị cảm xúc bằng những pha lập công ở thời điểm
chót. Bàn thắng của De Bruyne đêm qua càng có ý nghĩa hơn khi nó mang về
chiến thắng thứ 2 cho Man City sau trận thua Juventus. Cảm xúc lắm chứ!
Nhưng khán đài Etihad thì không thể hiện được tinh thần ấy.
Cây viết Neil Ashton của SportMail (người
trực tiếp có mặt ở Etihad) phải cay đắng thốt lên rằng “CĐV Man City xử
sự với bàn thắng này như là điều hiển nhiên. Chỉ 1 nhóm nhỏ thể hiện
được sự phấn khích”.
Sir Alex từng có 1 câu nói rất hay để
kích thích CĐV Man Utd rằng “Trên khán đài thế nào thì dưới sân thế ấy”.
Quả thực ở Etihad đêm qua, CĐV Man City đã không thể truyền nhiệt xuống
dưới sân cỏ. Bởi vậy mà Man City đã trải qua 90 phút cực kì vất vả
trước đội bóng đã sa sút rất nhiều so với mùa giải trước.
CĐV Man City quá thiếu nhiệt trên khán đài Etihad
Rồi ở tình huống ăn mừng của De Bruyne,
có lẽ tiền vệ này cũng cảm nhận rõ sự hụt hẫng trước màn chia vui thiếu
lửa và xúc cảm của các đồng đội. Phải chăng từ CĐV cho tới cầu thủ Man
City đều cho rằng đây là chiến thắng hiển nhiên nên bàn thắng phút chót
không có giá trị phá vỡ cung bậc cảm xúc?
Không! Điều này đã hiển hiện ở Etihad từ
lâu, kể cả khi Man City trở nên đáng chú ý nhờ sức bật của đồng tiền. Đã
không ít chuyên gia bóng đá Anh phải thừa nhận rằng CĐV Man City thiếu
nhiệt trên chính sân nhà của mình. Trước pha lập công của De Bruyne đêm
qua, khán đài Etihad khá yên ắng, thậm chí còn xuất hiện những chỉ trích
nhắm vào đội hình đắt giá của Pellegrini.
Nhìn sang các CLB lớn khác ở Premier
League, có lẽ HLV Pellegrini khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi ghé
thăm Emirates, Old Trafford, Stamford Bridge hay Anfield. Ở đó, những
tiếng hò hát reo vang cả trận. Nó không chỉ có mang tới sự phấn khích
cho đội nhà mà còn khiến đối thủ cũng phải choáng ngợp.
Có tiền, Man City đã mua được chút ít
thành công và thương hiệu nhưng sau gần thập kỉ, họ vẫn bất lực trong
việc tạo ra bản sắc, yếu tố thường hiển hiện ở chính sân nhà. Đó cũng là
1 trong những lý do khiến họ luôn chơi dưới kì vọng khi dự Champions
League, giải đấu mà yếu tố sân bãi đóng vai trò rất quan trọng.
Trong số 4 vạn CĐV có mặt ở Etihad đêm
qua, đâu phải ai cũng đến xem Man City với 1 tình yêu cháy bỏng và cảm
xúc. Đúng là họ yêu bóng đá đẹp, thích lối chơi tấn công nhưng nếu để
xem đây là sự giải trí thì đó là thất bại của Man City. Man City cần
nhiều hơn thế để gây dựng bản sắc trên nguồn ngân quỹ khổng lồ của mình…